Thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các Lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân năm 2024,
được sự nhất trí của Huyện ủy, UBND huyện Gia Viễn, hôm nay ngày mùng 10 tháng
Giêng năm Quý Mão, tức ngày 31 tháng 01 năm 2024, tại Di tích Động Hoa Lư, Đảng
ủy, HĐND, UBND xã Gia Hưng long trọng tổ chức Lễ hội Động Hoa Lư năm 2024,
Lễ hội truyền thống Động Hoa Lư hay
Lễ hội Vua Đinh là một lễ hội có sự tham gia của toàn thể nhân dân xã Gia Hưng,
huyện Gia Viễn và thu hút du khách thập phương. Lễ hội tổ chức tại 3 địa điểm:
Đình Trai; động Hoa Lư; đền Thung Lá, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng
giêng hàng năm. Đây là dịp để tri ân các bậc tiền nhân như Đinh Tiên Hoàng Đế,
Thái hậu Dương Vân Nga, Quốc sư Nguyễn Minh Không… Với đạo lý uống nước nhớ
nguồn, lễ hội được cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ tế,
rước… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân dự hội.
Trong không
khí trang nghiêm, trọng thể này, chúng ta thành kính dâng nén tâm nhang để
tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên Đế, các bậc tiền nhân
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cúi xin phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phù hộ cho nhân
khang vật thịnh, cho nam phụ lão ấu mạnh khỏe bình an, phù hộ cho bốn mùa, xuân
đa cát khánh- hạ bảo bình an- thu tống tam tai- đông nghinh bách phước, qua đó góp
phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đồng thời
quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, những nét văn hóa đặc sắc,
những di tích, danh lam thắng cảnh về đất và người Gia Hưng.
Theo thần tích, ngược dòng thời gian của lịch sử, Động Hoa Lư còn
gọi là Thung Lau hay Thung Ông (Hoa Lư là âm Hán Việt của từ hoa lau, động
Hoa Lư ở đây có nghĩa là động có nhiều bông lau, như tên nôm của nó là Thung
Lau; còn tên Thung Ông là gọi theo đền ở trong thung xưa thờ “thánh Ông” Nguyễn
Minh Không), thuộc địa phận thôn Uy Viễn, Uy Tế xưa, nay là xã Gia Hưng, huyện
Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Động được công nhận là di tích lịch
sử văn hóa cấp quốc gia tại quyết định số 51/VH-QD (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch) ngày 1 tháng 12 năm 1996.
Trong lịch sử Động Hoa Lư là căn cứ
đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn thế kỷ
X.
Đinh Bộ Lĩnh sinh vào ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (tức 22 tháng 3 năm 924) ở thôn Kim Lư,
làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia
Phương, Gia Viễn, Ninh Bình).
Cha của ông là Đinh
Công Trứ, nha tướng của Dương
Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu.
Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ về
ở cạnh đền Sơn Thần, nay là đền Long Viên (vườn rồng) thôn Mỹ Hạ, xã Gia
Thủy, Nho Quan, Ninh
Bình, nơi đây chính là quê mẹ ông.
Hàng ngày Đinh Bộ Lĩnh đi
chăn trâu, cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu
ở cánh đồng Rộc Xéo, tập trận cờ lau ở động Hoa Lư (thung Lau), thung Lá, thung
Lụi. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông
cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận giả đánh nhau, tỏ rõ tài chỉ
huy, bọn trẻ
thường khoanh tay làm kiệu để rước ông như nghi vệ thiên tử.
Đến tuổi trưởng thành vốn là người có chí khí
khác thường, thấy đất nước đang lâm vào cơn hỗn loạn, Đinh Bộ Lĩnh chiêu tập
trước hết là các bạn thuở cờ lau tập trận, sau đến các nghĩa sĩ quanh vùng. Bấy
giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nhờ thông minh mưu lược có
khí phách, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng
theo về rất đông.
Biết lực lượng của mình còn mỏng, Đinh Bộ Lĩnh
sang xin theo sứ quân Trần Lãm (tức Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu nay thuộc
tỉnh Thái Bình. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người khôi ngô, có chí khí, có tài thao
lược, lại là con trai của Đinh Công Trứ, người bạn đồng liêu, Trần Lãm mến tài
gả con gái cho. Khi tuổi cao sức yếu Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền cho Đinh
Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục xây dựng lực lượng, thu phục nhân tài, phất cờ
hiệu triệu dân chúng, đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu thắng đó, uy danh lừng
lẫy. Chỉ trong vòng một năm, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên 12 sứ quân, bốn phương ca
khúc khải hoàn, non sông thu về một mối, chấm dứt thời kì loạn lạc.
Năm 968, Đức Ông lên ngôi Hoàng đế,
hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư, niên
hiệu riêng là Thái Bình. Việc vua Đinh xưng đế, đặt tên nước riêng, đặt niên
hiệu được các nhà nho xưa xem như ông là người mở ra nền chính thống cho chế độ
phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam.
Với truyền thống đạo lý Uống nước nhớ
nguồn, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hết sức
quan tâm bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Động Hoa Lư. Những năm gần đây, động Hoa Lư được đầu tư tôn tạo với quy mô
lớn, khang trang. Phía bên ngoài động là cổng đá, bến đỗ xe cho khách thập
phương, vượt qua quèn đá gồm 240 bậc uốn lượn thành 9 khúc (hình rồng, tượng
trưng cho cho uy quyền của bậc đế vương). Ở vách đá gần quèn ra vào động có tấm
bia: “Tôn tạo động Hoa Lư sử thạch bi” dựng năm Đức Long thứ 2 (1630) nói về việc
tu sửa đền Thung Lau. Khu di tích lịch sử Động
Hoa Lư đã vinh dự được đón các đoàn đại biểu các cấp và các địa phương, các nhà
nghiên cứu lịch sử văn hóa, cùng nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã về
dâng hương bái yết Vua cha.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Lễ hội Động
Hoa Lư, sẽ trở thành một lễ hội lịch sử văn hóa tiêu biểu, ngày càng được tổ
chức trang trọng, ấn tượng với quy mô không chỉ ở cấp địa phương. Đây là nơi
hội tụ tinh hoa và tỏa sáng, là biểu tượng cao đẹp nhất về giá trị lịch sử và
văn hóa, mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông nơi đây đều gắn
liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, gắn liền với các bậc tiên đế,
tiền nhân.
Vinh dự và tự hào được đóng góp một phần nhỏ
trong việc trực tiếp phụng thờ các bậc Tiên đế, tiền nhân của dân tộc, Đảng bộ
và nhân dân Gia Hưng đã, đang và sẽ tiếp tục đem hết sức mình chăm lo, gìn giữ,
tôn tạo khu di tích, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, du lịch để khu Di tích
xứng đáng với tầm vóc lịch sử khu di tích cấp quốc gia, là nơi phụng thờ các
bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử
cho lớp lớp các thế hệ tương lai.